Người phụ nữ này khẳng định đến nay chưa nhận được thông tin từ cơ quan chức năng cũng như Bệnh viện K mời tới làm việc về vấn đề trên.
Ngày 20/8, qua báo chí, chị T. mới biết lãnh đạo Bệnh viện K khẳng định những thông tin chị chia sẻ trên mạng là vu khống, bịa đặt. Người phụ nữ này cho hay: "Chỉ cần lãnh đạo ngành sâu sát, đi thực tế sẽ rõ mọi việc. Nếu cần bằng chứng, tôi có clip ghi lại phản ánh của bệnh nhân”.
Theo chị T, đến nay clip của chị có hơn 50.000 lượt bình luận, trong đó nhiều bình luận chia sẻ từng phải "lót tay" bác sĩ Bệnh viện K.
"Tôi lên tiếng mong muốn bệnh viện lắng nghe. Tôi không kinh doanh về y tế, sức khỏe để cạnh tranh, hạ uy tín bệnh viện. Tôi chỉ muốn hướng tới điều tốt đẹp. Có bệnh nhân ung thư từ quê lên, họ xếp hàng 1-2 giờ, chờ đợi xin từng suất ăn từ thiện. Có người 2-3 ngày trước còn nhận suất ăn nhưng hôm nay họ đã không còn", người phụ nữ này chia sẻ.
Chị T. tiếp tục khẳng định bản thân sẵn sàng làm việc với cơ quan chức năng. Hiện tại, người phụ nữ này bị gãy chân và nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì (Hà Nội).
Công an huyện Thanh Trì cho hay đã nhận được đơn của chị Đ.T.T. tố cáo bảo vệ của Bệnh viện K cơ sở 2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) hành hung khiến chị gãy xương mác chân trái. Công an đang vào cuộc điều tra, xác minh nội dung đơn. Sáng 20/8, đại diện công an huyện đã đến lấy lời khai của chị liên quan vụ việc này.
Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện video với nội dung "người bệnh phải đưa 200.000 đồng cho bác sĩ Bệnh viện K để được xạ trị sớm, không phải chờ đợi thời gian dài".
Ngày 20/8, bệnh viện đã có thông tin phản hồi, khẳng định nội dung nêu trong video là bịa đặt, vu khống, mang tính bôi nhọ, cố tình xúc phạm hình ảnh, uy tín của đơn vị.
Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết quan điểm của đơn vị là không bao che tiêu cực. Tuy nhiên, người chia sẻ vụ việc là chị Đ.T.T không đưa rõ bằng chứng, chỉ nghe người bệnh kể lại.
“Chúng tôi rất đau đầu vì bệnh viện mang tiếng nên muốn giải quyết ngay. Hiện tại, không có bằng chứng nên không xử lý được. Nếu thông tin chính xác, cụ thể, bệnh viện sẽ làm nghiêm theo quy định”, vị lãnh đạo khẳng định.
Ngoài ra, Tiến sĩ Phùng Thị Huyền, Phụ trách phòng Quản lý Chất lượng của Bệnh viện K, cho biết hằng năm, đơn vị đều có kế hoạch kiểm tra chất lượng để phục vụ người bệnh tốt hơn. Từ tháng 4, bệnh viện có 2 đoàn kiểm tra cơ sở Tam Hiệp và Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) lấy ý kiến người bệnh về thái độ phục vụ của nhân viên y tế bao gồm cả vấn đề nhũng nhiễu, vòi vĩnh.
Tổng kết sơ bộ, Phòng Quản lý chất lượng không ghi nhận phản ánh nào về việc phải kẹp tiền vào sổ y bạ hay phong bì "lót tay" bác sĩ.
Trước đó, anh L.A.H. (37 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim từ năm 2021. Ở thời điểm này, chức năng co bóp của cơ tim chỉ còn 18%. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, anh không thể đi khám và tiếp cận các phương tiện chẩn đoán chính xác.
Từ tháng 7/2023, khi triệu chứng khó thở ngày càng nặng, anh đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch không chỉ xác định rõ tình trạng bệnh của anh mà còn phát hiện anh có nhóm máu Rh âm tính - một nhóm máu hiếm.
Sau quá trình điều trị, tình trạng khó thở của anh được cải thiện. Đồng thời, anh đã đăng ký vào danh sách chờ ghép tim. Tuy nhiên, anh và gia đình cũng rất bất ngờ khi 12h trưa ngày 24/8 nhận được thông báo chuẩn bị nhập viện để ghép.
Trái tim ghép cho anh H. được hiến từ một người đàn ông 32 tuổi ở Hà Nội. Qua chặng đường xuyên Việt và tranh thủ từng giây từng phút, đến nay, trái tim đó đã an toàn, đập khỏe trong lồng ngực mới.
Sau ngày đầu phẫu thuật cần sự chăm sóc đặc biệt, đến ngày thứ hai, anh H. đã có thể ngồi dậy và tự đứng lên. Đến ngày thứ năm, anh đã có thể đứng thẳng, tự ăn cháo và trò chuyện vui vẻ với mọi người.
"Tôi muốn nói lời biết ơn từ tận đáy lòng trước nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến. Họ đã cho tôi một cuộc đời mới. Bây giờ, tôi muốn chạy bộ và được về nhà" - anh H. chia sẻ.
Hiện tại, anh L.A.H vẫn đang được chăm sóc hậu phẫu tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.
“Trái tim - phần đặc biệt của cơ thể - là cơ quan duy nhất không thể tặng mà người hiến vẫn còn sống. Ý nghĩa cao đẹp của sự trao tặng ấy luôn được khắc ghi không chỉ bởi người nhận, mà còn lan tỏa niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt cho nhiều người mắc bệnh tim hiểm nghèo khác” - bác sĩ Thuỷ nói.
Như VietNamNetđã đưa tin, đêm 22/8 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận anh N.Đ.T. (32 tuổi) nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Sau nhiều lần kiểm tra, đánh giá lâm sàng, chiều 24/8, các chuyên gia đầu ngành kết luận bệnh nhân chết não. Gia đình anh T. đã vượt qua nỗi đau, quyết định hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho những người khác.
Sau khi có chỉ đạo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, trái tim của người hiến được vận chuyển vào Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để ghép cho một bệnh nhân có bệnh lý tim nặng. Gan, thận, giác mạc của anh T. được ghép cho các bệnh nhân khác tại Bệnh viện Việt Đức, Xanh Pôn và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ngay trong đêm 24/8, trái tim người hiến đã vượt hàng ngàn km, kịp thời có mặt tại phòng mổ Bệnh viện Đại học Y dược. Đến 2h05 sáng 25/8, ca ghép hoàn tất, trái tim đã đập những nhịp đầu tiên trong lồng ngực mới.